Hội Phụ Sản Việt Nam ra mắt ứng dụng kiểm tra nội tiết tố nữ online
Nằm trong khuôn khổ chiến dịch Đừng thờ ơ với nội tiết tố nữ và nhân tháng hành động vì phụ nữ, Hội Phụ sản Việt Nam cho ra mắt Ứng dụng kiểm tra nội tiết tố nữ online, nhằm giúp phụ nữ có thể nắm được tình trạng nội tiết tố của mình và có biện pháp bổ sung kịp thời. Lễ ra mắt sẽ được tổ chức vào ngày 15/10/2020 tại Hà Nội.
Những bất cập còn tồn tại trong hoạt động chăm sóc sức khỏe của phụ nữ Việt
Nội tiết tố nữ (Estrogen) là hormone giới tính quan trọng khi quyết định đến toàn bộ sức khỏe, sinh lý và sắc đẹp của phụ nữ. Theo đó, sự suy giảm nội tiết tố nữ theo thời gian cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, có đến 80% phụ nữ Việt Nam không biết mình bị suy giảm nội tiết tố nữ.
Đa số chị em phụ nữ vẫn xem các triệu chứng khó chịu do suy giảm nội tiết tố là quy luật tất yếu của tuổi tác và âm thầm chịu đựng mà không tìm cách khắc phục. Ngoài ra, khi gặp các triệu chứng do suy giảm nội tiết tố nữ: bốc hỏa, mất ngủ, cáu gắt, vã mồ hôi, tim đập nhanh, nám sạm da, rối loạn nội tiết tố nữ, giảm trí nhớ… nhiều phụ nữ còn nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nên thay vì tìm đến đúng bác sĩ sản phụ khoa thì lại tìm đến các chuyên khoa khác khiến việc điều trị bị lệch hướng, vừa tốn thời gian, công sức lại không đem lại hiệu quả.
Xuất phát từ thực trạng này, Hội Phụ Sản Việt Nam đã phát động chiến dịch Đừng thờ ơ với nội tiết tố nữ, với chuỗi các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ năm 2017 đến nay.
Chia sẻ về ý nghĩa chiến dịch, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Nội tiết tố nữ được coi là tiền đề quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm sinh lý của phụ nữ. Tuy nhiên ở Việt Nam, phụ nữ vẫn chưa hiểu đúng vấn đề này, dẫn đến chất lượng cuộc sống chưa cao. Chúng tôi mong rằng, chiến dịch Đừng thờ ơ với nội tiết tố nữ sẽ giúp phụ nữ Việt phần nào hạn chế được những khó khăn gặp phải do nội tiết tố nữ gây ra. Đây là một vấn đề rất quan trọng, cần được quan tâm đúng mức, giúp cho đời sống của chị em phụ nữ được cân bằng và hoàn thiện”.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Lễ ra quân chiến dịch vào năm 2017
2020: Tái khởi động chiến dịch và ra mắt ứng dụng kiểm tra nội tiết tố nữ đầu tiên tại Việt Nam
Xuất phát từ những bất cập trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nội tiết và hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số ngành Y dược do Bộ Y tế phát động, Hội phụ sản đã nghiên cứu và cho ra đời ứng dụng kiểm tra nội tiết tố nữ online ESTROQ1 nằm trong khuôn khổ chiến dịch Đừng thờ ơ với nội tiết tố nữ, giúp phụ nữ chủ động đánh giá tình trạng thiếu hụt nội tiết tố của mình để từ đó có các biện pháp phòng ngừa và bổ sung đúng cách.
Với hình thức trắc nghiệm đơn giản, giao diện thân thiện, chỉ mất chưa đầy 5 phút ứng dụng đã phân tích và trả kết quả cho người dùng. Hệ thống sẽ tự động đánh giá mức độ thiếu hụt nội tiết tố của cơ thể cùng với những khuyến cáo về cách điều trị, chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp với từng người. Ứng dụng là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, được thẩm định bởi Hội đồng các y bác sĩ đầu ngành của Hội Phụ Sản Việt Nam.
Ngày 15/10/2020, Hội Phụ Sản Việt Nam sẽ tổ chức Lễ ra mắt ứng dụng ESTROQ1 tại Trung tâm hội nghị quốc tế với sự tham gia của GS. TS Nguyễn Viết Tiến, PGS. TS Vũ Bá Quyết, PGS. TS Lưu Thị Hồng cùng đông đảo phụ nữ trên địa bàn thủ đô.
Việc ra đời Ứng dụng tự kiểm tra nội tiết tố nữ được đánh giá là bước đi tiên phong và đột phá trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nội tiết tố cho phụ nữ. Lần đầu tiên trong ngành Y học sản phụ khoa, phụ nữ Việt Nam có thể chủ động kiểm tra sức khỏe nội tiết của mình một cách khoa học mà không bị nhiễu loạn bởi các thông tin tràn lan bên ngoài.
Ứng dụng giúp giải quyết những bất cập của hoạt động chăm sóc sức khỏe nội tiết, giúp phụ nữ tự có thêm hiểu biết về sức khỏe của bản thân, nâng cao nhận thức về vai trò của nội tiết tố nữ và đặc biệt sự chủ động để thăm khám tại các cơ sở y tế để từ đó có biện pháp chăm sóc, giữ gìn nét xuân, sức khỏe và hạnh phúc của mình. Đối với ngành Y tế, kết quả của Ứng dụng cũng mang tính chất tham khảo cho hoạt động đào tạo, thăm khám và điều trị chuyên môn.